Cùng là 2 lĩnh vực mới, cùng mở cửa công ty con trong 1 năm nhưng xe hơi Vin thì tập trung hơn vào người dùng dư dả còn smartphone Vin thì lại bán rẻ hơn cả điện thoại Trung Quốc. Vì sao có sự đối nghịch này?
Không đầy nửa năm kể từ ngày tuyên bố chuyển mình trở thành công ty công nghệ, VinSmart đã vén màn chiếc smartphone đầu tiên. Con số đáng chú ý nhất về 2 mẫu smartphone này là mức giá: Vsmart Joy 1 có giá chỉ từ 2,49 triệu đồng, còn Joy 1+ với màn hình 6.2 inch cũng chỉ 3,39 triệu đồng. Active 1 chỉ từ 4,99 triệu và Active 1+ là 6,29 triệu.
Hiện tại, đã có kế hoạch cho thấy VinGroup muốn làm những chiếc smartphone tầm cao, thậm chí siêu cao cấp, nhưng đó sẽ là một chặng đường dài. Trước mắt, người tiêu dùng bước đầu đã phần nào cảm thấy bất ngờ với mức giá hợp lý của 4 chiếc smartphone đầu tiên.
Nên bán giá đắt
Hướng tiếp cận của VinGroup với smartphone có thể khiến nhiều người bất ngờ. Không hẳn là một tập đoàn chỉ hướng đến người giàu nhưng từ lâu VinGroup đã có những thương hiệu nhắm tới lớp khách hàng dư dả: VinPearl, VinCom, VinHomes, VinMec, VinSchool đều không hề “rẻ”.
Mới đây nhất, những sản phẩm đầu tiên của VinFast cũng hướng đến người có tiền trước tiên. Tại Triển lãm xe hơi Paris, VinFast chỉ ra mắt 2 mẫu “Lux”, xa xỉ và đắt đỏ. Về đến Việt Nam, VinFast cũng quảng bá mạnh cho 2 mẫu này, còn chiếc Fadil thì ít “kèn trống” hơn hẳn.
Với xe hơi, VinGroup rõ ràng ưu ái những sản phẩm đắt đỏ hơn.
Dường như có một sự đối nghịch rõ rệt giữa cách VinGroup hướng tới người mua smartphone và người mua xe hơi. Mà, về mặt lý thuyết, VinGroup lẽ ra nên bán smartphone theo cách đã bán các sản phẩm khác: hướng vào người dùng đắt tiền. Phân khúc giá càng cao thì lợi nhuận càng lớn, chưa kể người dùng đã sẵn lòng bỏ tiền mua giá cao thì cũng sẵn lòng bỏ tiền mua các dịch vụ đi kèm.
Xu hướng kinh doanh của VinGroup trong bao năm qua cũng đã đi theo hướng này. Các sản phẩm của Vin tuy không đắt nhưng rõ ràng vẫn nhắm vào những người có tiền hơn. Nếu mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 chiếc xe, là người bán, bạn sẽ mong người mua bỏ tiền ra mua Lux hơn là Fadil.
Vai trò của những chiếc smartphone
Đáng tiếc rằng triết lý giá cao chỉ đúng với những thứ không phải là xa xỉ phẩm. Mua smartphone dễ dàng hơn mua xe hơi rất nhiều. Và, số người cần dùng đến smartphone cũng lớn hơn số người cần có xe hơi.
Định giá Vsmart hoàn toàn khớp với vai trò của smartphone tại Việt Nam: nhu yếu phẩm.
Bởi đến năm nay thì khái niệm smartphone hiện đại (modern smartphone, chỉ những sản phẩm bắt nguồn từ iPhone 2007) cũng đã bước sang năm thứ 11. Chúng đã chứng minh được vai trò trong việc phục vụ những nhu cầu số căn bản nhất (liên lạc, lướt web, chụp ảnh, nghe nhạc, game), đã đạt đến mức độ hoàn thiện rất cao và quan trọng nhất là đã chạm đến mức giá đủ rẻ để gần như bất kỳ ai cũng có thể sở hữu. Trước VSmart, với khoản tiền dưới 3 triệu đồng, người dùng Việt có rất nhiều lựa chọn từ Samsung cũng như các thương hiệu Trung Quốc.
Qua 11 năm, cũng giống như các thị trường lớn, thời điểm bão hòa của thị trường smartphone Việt Nam có lẽ đã đến gần. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng chỉ còn 8,4%, giảm còn 1/3 so với năm 2016 (số liệu GfK).
Sát mốc bão hòa
Trong một thị trường đã sát mốc bão hòa như thị trường smartphone Việt Nam, đánh thẳng vào tầm cao hay thậm chí là tầm trung sẽ gây ra rất nhiều khó khăn. Muốn thuyết phục người dùng, bất kỷ một tên tuổi mới nào cũng sẽ phải tạo ra những chiếc smartphone thực sự chất lượng ở mức giá mà Samsung, OPPO, Huawei/Honor đã có kinh nghiệm quá dày dặn. Như BKAV đã chứng minh, đâm đầu vào phân khúc tầm trung hay tầm cao là chịu lỗ để chuốc lấy… những lời chỉ trích, cho dù hãng này đã thực sự “có tâm” với Bphone 2 và Bphone 3.
Bởi thế, quyết định “đánh” vào phân khúc smartphone giá rẻ trước tiên là cực kỳ đúng đắn. Ở mức giá này, ít nhất VinSmart có thể học hỏi kinh nghiệm, có thể xây dựng các mối quan hệ trước khi tiến lên các phân khúc cao hơn, mà ngay trước mắt là dòng Active chưa được vén màn trong ngày hôm nay.
Những chiếc tablet bán lỗ của Amazon cho thấy phần cứng có thể góp phần thúc đẩy bán lẻ.
Quan trọng hơn, do smartphone là nhu yếu phẩm mà người dùng Việt nào cũng cần có, bán smartphone giá rẻ để đổi thị phần cũng sẽ mang đến cho VinGroup hai tài sản quan trọng: dữ liệu thị trường và một kênh quảng bá mới. Smartphone cũng sẽ là một cơ hội để cải thiện trải nghiệm du lịch, bán lẻ hay nhà ở. Nói cách khác, smartphone có thể mang tới cho VinGroup hàng triệu người dùng mới, hàng triệu kênh doanh thu trên chính những mảng kinh doanh mà VinGroup đã đang làm chủ từ ngay bây giờ.
Còn ai phù hợp hơn?
Ngược lại, sẽ là rất khó để bán được hàng triệu chiếc xe hơi tại Việt Nam. Không phải là cánh cửa mở ra một thế giới khác (thế giới số), tiềm năng doanh thu phụ trợ từ xe hơi cũng không thể lớn như smartphone. Bởi thế, VinGroup nên tập trung hơn vào xe hơi cao cấp, và nên hướng đến mục tiêu thu lợi nhuận trên từng chiếc xe bán ra.
Còn smartphone thì khác. Ở mức giá bán/cấu hình như hiện tại, có thể khẳng định gần như chắc chắn rằng Vsmart chỉ có thể gây lỗ, vì chúng rẻ ngang (hoặc hơn) smartphone OPPO, Xiaomi cùng cấu hình.
“Vì mọi người” – Vì khối người dùng tiềm năng khổng lồ mà Vsmart sẽ mang tới cho VinGroup.
May mắn thay, như rất nhiều nhà sản xuất smartphone đã chứng minh, bán smartphone chưa chắc đã cần phải có lãi, chúng chỉ cần dẫn doanh thu cho các mảng kinh doanh khác mà thôi. VinGroup lại đang nắm trong tay nhiều thương hiệu bán lẻ và dịch vụ lớn nhất nhì Việt Nam, muốn mở rộng thị phần, muốn chạm tay vào hàng triệu người dùng, muốn cải thiện chất lượng dịch vụ cho họ…
… làm gì có kênh nào tốt hơn là Vsmart?